Banner

Cấp phép khai thác sản xuất nông nghiệp nước phụ thuộc vào quy mô sản xuất

(TN&MT) - Ông Lò Văn Quân, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La hỏi: Gia đình tôi đang lắp đặt đường ống khai thác nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vậy, gia đình tôi có phải xin cấp phép khai thác nguồn nước hay không? Nếu phải xin cấp phép thì chúng tôi sẽ nộp hồ sơ ở đâu? Thủ tục như thế nào?

Trả lời

Thứ nhất, về việc xin cấp phép khai thác nước

Theo quy định của pháp luật hiện hành và các quy định khác của tỉnh Sơn La, việc khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có phải xin cấp phép hay không phụ thuộc vào quy mô, nguồn nước (mặt, nước ngầm) mà gia đình bạn cần khai thác. Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 44 Luật Tài nguyên nước và Điểm a, b, Khoản 2, Điều 16, Nghị định 201/2013/NĐ-CP chia thành hai trường hợp như sau:

- Trường hợp phải xin cấp phép: Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 0,1 m3/giây trở lên; Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10 m3/ngày đêm trở lên. 

- Trường hợp khai thác nước không phải xin phép, không phải đăng ký: Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây; Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm (với điều kiện ở các vùng mà mực nước không bị suy giảm).

Thứ hai, về nơi tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ được quy định tại Điều 28 và Điều 29, Nghị định 201/2013/NĐ-CP như sau: Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2m3 /giây trở lên; thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. UBND tỉnh cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng không vượt quá 2m3 /giây; thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng không vượt quá 3.000 m3/ngày đêm; 

Thứ ba, thủ tục xin cấp phép

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được quy định tại Điều 35, Nghị định 201/2013/NĐ-CP, theo đó:

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hai (02) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình;

Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

Sau đó, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;

Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

Cuối cùng, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.

Báo TN&MT

Biên tập bởi Nguyễn Lý
  • Tin liên quan
Vấn nạn rác trên sông ở tỉnh Cà Mau

Vấn nạn rác trên sông ở tỉnh Cà Mau

Thành phố (TP) Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là nơi giao nhau của có 4 nhánh đường thủy: sông Gành Hào, sông Cà Mau, kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh xáng Bạc Liêu...

Điều không ngờ ít ai biết khi uống nước chanh

Điều không ngờ ít ai biết khi uống nước chanh

Bắt đầu mỗi buổi sáng với một ly nước chanh ấm được rất nhiều về lợi ích sức khỏe nếu duy trì được thói quen này.

Công ty nước sạch phản hồi việc hàng trăm hộ dân mất nước

Công ty nước sạch phản hồi việc hàng trăm hộ dân mất nước

Công ty nước sạch số 2 Hà Nội lên tiếng sau khi VietNamNet phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân ở tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên liên tục mất nước...

Giữa hà thành vẫn bị mất nước

Giữa hà thành vẫn bị mất nước

Hơn 400 gia đình tại tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội khổ sở vì gần nửa tháng nay không có nước sinh hoạt.

Công nghệ lọc nước thải thành nước uống tại Singapore

Công nghệ lọc nước thải thành nước uống tại Singapore

Từ chỗ phải phụ thuộc vào nguồn nước mua từ Malaysia, Singapore đã tìm cách trữ nước mưa, tái sử dụng nước, lọc nước biển... sẵn sàng cho tương lai...

Xây dựng hệ thống nước sạch về làng

Xây dựng hệ thống nước sạch về làng

Trước tình trạng nhiều người dân tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, tỉnh Quảng Trị đã...